
Việt Nam thành công trong sản xuất vắc-xin Fluvax phòng cúm A/H5N1 là một sự kiện làm thế giới ngưỡng mộ và mở ra cơ hội mới cho việc phòng loại dịch nguy hiểm này.
H5N1: vi-rút có độc lực cao
Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, chủng vi-rút cúm A/H5N1 là mối nguy hiểm đặc biệt với sức khỏe con người bởi nó là tác nhân gây bệnh trên gia cầm, nhưng có khả năng lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người. Vi-rút A/H5N1 gây bệnh với tỷ lệ tử vong cao. Ngay trong hai tháng đầu năm 2008, đã có 5 ca tử vong do nhiễm cúm A/H5N1. Tại VN, trong tháng 2.2008 vừa rồi đã xảy ra hiện tượng một số độång vật hoang dã chết tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Trong số đó, một con cầy vằn đã được xác định dương tính với H5N1. Điều này càng làm tăng thêm mối lo ngại về khả năng lây lan rộng hơn, ngoài nguồn lây nhiễm H5N1 từ gia cầm nuôi.
GS.TS Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Công ty vắc-xin và sinh phẩm số 1 cho biết: "Ngay sau khi vi-rút cúm A/H5N1 được phân lập trên các bệnh nhân VN, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã tiến hành nghiên cứu phát triển vắc-xin cúm A/H5N1. Kỹ thuật di truyền ngược đã được ứng dụng để tạo chủng cúm A/H5N1 giảm độc lực dùng cho sản xuất vắc-xin từ chủng vi-rút H5N1 có độc tính cao".
Vi-rút cúm A gây tỷ lệ mắc và chết cao. Loại vi-rút này đã từng gây những vụ đại dịch và ít nhất 3 đại dịch cúm đã được xác nhận: vào năm 1918 (do vi-rút cúm A/H1N1); năm 1957 - Cúm châu Á, do chủng vi-rút cúm A/H2N2 và năm 1968 - cúm Hồng Kông do chủng vi-rút cúm A/H3N2. Chủng cúm A/H5N1 trên gia cầm được xác định là có khả năng lây truyền sang người từ năm 1997 và ca bệnh đầu tiên trên người xuất hiện tại VN vào tháng 1.2004.
Dự phòng
Các chuyên gia y tế dự phòng luôn khuyến cáo: biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất đối với dịch cúm là tiêm phòng vắc-xin. Những nghiên cứu phát triển vắc-xin cúm đã được bắt đầu từ năm 1933 với việc sử dụng chủng vi-rút cúm A/H1N1. Vắc-xin cúm có hiệu quả bảo vệ 70-90% trên người trẻ tuổi khỏe mạnh nếu vắc-xin tiêm phù hợp với chủng vi-rút lưu hành (bệnh cúm gây nên bởi các chủng vi-rút cúm khác nhau).
Đến thời điểm này, vi-rút cúm A/H5N1(Fluvax) đã được Công ty sản xuất vắc-xin và sinh phẩm số 1 sản xuất thành công quy mô phòng thí nghiệm. Vắc-xin đã chính thức được Bộ Y tế cho phép tiêm thử nghiệm trên người trong tháng 3 này. Trước đó, tính an toàn của nó đã được thử nghiệm lâu dài, nghiêm ngặt trên động vật - thử nghiệm được thực hiện trên chuột với liều dùng cao gấp 5 lần liều thông thường trên người và gấp hàng trăm lần nếu so sánh theo cân nặng trọng lượng cơ thể. Kết quả khẳng định, các loạt vắc-xin đều đảm bảo tính an toàn trên động vật thực nghiệm. Các thử nghiệm vắc-xin H5N1 Fluvax trên khỉ cũng đã khẳng định cho đáp ứng miễn dịch sau hai mũi tiêm. Các loạt vắc-xin cúm A/H5N1 sản xuất quy mô phòng thí nghiệm đã chứng minh được tính an toàn và hiệu quả. 100% chuột được tiêm vắc-xin đều khỏe mạnh, không có biểu hiện bệnh lý. Vụ Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết: "Hội đồng khoa học của Bộ đã thẩm định hết sức nghiêm ngặt trước khi cho phép vắc-xin được thử nghiệm trên người. Đây là giai đoạn quan trọng, một trong những điều kiện bắt buộc để cơ quan quản lý đi đến quyết định cho phép chính thức lưu hành".
Nếu tuân thủ đầy đủ các quy định thử nghiệm lâm sàng cũng như các thủ tục đăng ký khác được chấp thuận, trong khoảng một năm tới, vắc-xin H5N1 có thể được đi vào sản xuất.
(VNDOC 's Blog - Theo TN)
No comments:
Post a Comment