Saturday, April 5, 2008

Đi tìm giải pháp cho trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ tự kỷ hội nhập




Trong cả buổi sáng 5-4, các cá nhân công tác trong ngành y tế, tư vấn tâm lý và gần 30 phụ huynh có con em là trẻ khuyết tật trí tuệ hay tự kỷ đã cùng thảo luận tìm giải pháp cho đối tượng trẻ này hội nhập cộng đồng. 

Hội thảo do chương trình khuyết tật và phát triển (Disability resource and development - DRD) tổ chức tại ĐH Mở TP.HCM.

Dốc bầu tâm sự

Các khách mời đã chia nhóm, thảo luận về các vấn đề liên quan đến trẻ khuyết tật và trẻ tự kỷ: tạo việc làm, lên kế hoạch rèn luyện thể chất cho trẻ, các kỹ năng phụ huynh và trẻ cần trang bị.

Không hẹn mà gặp, các ông bố bà mẹ có dịp dốc bầu tâm sự khi giọt máu mình mang nặng đẻ đau không may khuyết tật trí tuệ hay tự kỷ. Chị H. Thục (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xúc động: “Khi mới sinh cháu Ngọc, tôi đã cảm thấy nét mặt cháu là lạ. Một tháng sau, người thân mới báo tôi cháu bị hội chứng Down. Có người mẹ nào lại không sốc và không tự dằn vặt rằng mình có lỗi? Nhưng ngay sau đó, mình liên hệ bạn bè ngay để nhờ họ hỗ trợ cách trị liệu, chăm sóc bé”.

Niềm vui lớn nhất của chị là đã đi đúng hướng trong việc dạy và chăm sóc con gái M.Ngọc. Ngọc năm nay 19 tuổi, có thể giao tiếp khá, biết phụ mẹ việc nhà và còn đang làm nghề dệt và hướng dẫn các bé học tại Trường chuyên biệt Gia Định.  

Nhắc đến những “thành tựu” của con, nét mặt chị Thục rạng ngời: “May mắn nhất là nhà trường, bạn bè, cơ quan tôi đang làm việc đều đối xử với cháu như người bình thường. Tôi đưa cháu đến hội thảo hôm nay cũng là để nói với các phụ huynh khác và mọi người rằng trẻ có hội chứng Down không phải là trẻ không thể phát triển mà chỉ là trẻ phát triển chậm”. 

Ông bố Nguyễn Trần Dũng (Q.2, TP.HCM) cũng hồ hởi khoe về cô con gái Lan Anh: “Cháu bị Down, ông bà sốc lắm. Mình tỉnh táo hơn và mình luôn yêu quí và tin rằng con gái mình cũng như người bình thường. Quan sát thường xuyên, mình nhận thấy cháu nhớ rất kỹ những gì đã vào đầu cháu, cháu cũng rất tình cảm, biết quan tâm mọi người và còn có thể chơi đàn tốt”. 

Ông bố này cũng thường xuyên đưa con gái đến những nơi công cộng để con gái có dịp giao tiếp và thể hiện năng khiếu. Trong gia đình, cô bé được yêu quí và luôn là “một lá phiếu quan trọng” trong bất kỳ vấn đề gì của gia đình. Không ngừng học cách chăm sóc, giáo dục trẻ bị Down, ông bố này mang cả máy ghi âm đến hội thảo và thảo luận rất nhiệt tình.

Chờ mong sự đồng vọng từ cộng đồng

Lạc quan, tin tưởng là vậy, song khi nhắc đến cơ hội việc làm cho trẻ khuyết tật và trẻ tự kỷ, các ông bố bà mẹ không khỏi lo âu nhiều. Con trai chị A. Thơ (Q.3, TP.HCM) đang học lớp 8 và bị tự kỷ. Từ bây giờ, chị Thơ đã lo: “Mình phải lo xa việc làm cho cháu vì không biết cháu học hành được đến đâu”. 

Các giải pháp về việc làm cho trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ lần lượt được các phụ huynh đưa ra: dán túi giấy, rửa xe, hộ lý, giặt ủi, xếp kẹo, bán cà phê…

Cụ thể hơn, các anh chị còn bày tỏ mong muốn tìm mặt bằng để có thể thu xếp công việc xếp túi giấy và xếp kẹo cho trẻ. 

Không chỉ lo việc làm, các ông bố bà mẹ còn trao đổi về việc lên kế hoạch rèn luyện thể chất cho trẻ. Các giải pháp đưa ra là xây phòng tập trị liệu, xây nhà chơi, tập trẻ bơi, tham gia các hoạt động ngoài trời, tổ chức cho các trẻ khuyết tật trí tuệ hay trẻ tự kỷ đi chơi chung…

Mỗi ông bố bà mẹ có “thế mạnh” nào trong việc chăm sóc trẻ liền bày tỏ ngay mong muốn được sẻ chia kinh nghiệm. Chị T. có kinh nghiệm dạy bơi cho con bị tự kỷ từ lúc 3 tuổi. Bây giờ, 6 tuổi, bé đã có thể bơi không cần phao và có thể lặn sâu khoảng 1,5m. Chị T. bày tỏ mong muốn sẵn sàng dạy bơi cho các trẻ tự kỷ hay chậm phát triển khác.  

Sự tôn trọng trẻ, không thương hại, không quá nuông chiều trẻ hoặc bỏ bê trẻ vì suy nghĩ “trẻ không là người bình thường” là những kinh nghiệm được các phụ huynh chia sẻ nhiều nhất khi giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ tự kỷ. 

Thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh nhấn mạnh tại hội thảo: “Tại nước ta hiện nay vẫn còn suy nghĩ trẻ chậm phát triển, tức là trẻ không phát triển, vì vậy nhiều người có xu hướng hơi thụ động trong việc giúp trẻ phát triển. Vai trò của người lớn và cộng đồng trong việc giúp trẻ phát triển, tự lực, tự lập là hết sức quan trọng. Mục đích của tất cả quá trình ấy là để trẻ hình thành nhân cách và suy nghĩ trẻ giống như người bình thường”.

Khá nhiều giải pháp giúp trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ tự kỷ đã được đưa ra. Rất nhiều nhiệt tình sẵn sàng sẻ chia, gánh vác cũng đã được bày tỏ. Nhưng có lẽ giải pháp sẽ vẫn chỉ là giải pháp nếu chưa có sự chung sức, sự đồng vọng, sự hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng… 

Theo khảo sát của Cục Thống kê năm 2006 (đăng tháng 1-2008), tỉ lệ người khuyết tật chiếm 15,3% dân số cả nước, tức khoảng 13 triệu người.

Theo khảo sát của Bộ LĐ&TBXH (2007), đại đa số gia đình có con em khuyết tật sống rất nghèo khó: 32,5% sống dưới chuẩn nghèo (dưới 2 USD/ngày); 58% có cuộc sống tạm ổn; 65% sống trong những ngôi nhà bán kiên cố: 70% người khuyết tật đang ở độ tuổi lao động, nhưng chỉ có 30% người khuyết tật có thu nhập tương đối ổn định.

Về học vấn: 41,01% không biết chữ; 19,5% tốt nghiệp cấp II hoặc cấp III: 6,5% có chứng chỉ học nghề và ít hơn 0,1% đang học hoặc đã tốt nghiệp CĐ và ĐH. 

Số liệu của Bộ GD-ĐT (2007) cho thấy chỉ có 25%, tức khoảng 230.000 trong số hơn 1 triệu trẻ khuyết tật được đi học.


(VNDOC 's Blog - Theo TT)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts